Trận đánh Trận_Soor_(1745)

5h sáng ngày 30 tháng 9, khi Friedrich II đang bàn bạc với các tướng về việc rút quân, ông ta được cấp báo rằng kỵ binh Áo đã xuất hiện trên cánh phải quân Phổ.[1][9] Trong lúc Friedrich chạy đi kiểm chứng, toàn bộ lực lượng Phổ đã tự giác triển khai đội hình hành quân. Sau khi nhanh chóng nắm bắt thế trận, Friedrich truyền lệnh cho quân đội tiến sang phải theo hướng đông nam làng Burkersdorf, sau đó lần về phía bắc cho đến khi áp sát chân đồi Graner-Koppe, rồi lập đội hình chiến đấu đối diện với liên quân. Friedrich dự định tập trung xung lực vào cánh phải và tung cánh này công kích đồi Graner-Koppe, trong khi quân trung tâm và cánh trái được dự trữ ở hậu tuyến. [9]

Bản đồ trận Soor.

Lúc 8h sáng, khi cuộc điều quân của người Phổ đã gần hoàn tất, sương mù tan và pháo binh Áo tổ chức bắn phá đội hình kỵ binh cánh phải của địch. Quân kỵ binh Phổ chịu thiệt hại khá nặng, nhưng vẫn duy trì hàng ngũ.[9] Ngay lập tức, Friedrich phát lệnh cho 26 khối kỵ binh đi vòng sang sườn bắc đồi Graner-Koppe để "dọn dẹp" kỵ binh Áo-Sachsen và khai lối cho bộ binh Phổ xung phong chiếm Graner-Koppe. Kỵ binh Phổ lập đội hình tấn công gồm trung đoàn Quân cảnh, trung đoàn thiết kỵ Buddenbrock ở tuyến đầu cùng 3 trung đoàn khác và 1 đại đội Cận vệ ở tuyến sau. Cuộc hành quân sang sườn đồi Graner-Koppe đã đưa kỵ binh Phổ thoát khỏi tầm bắn của đại bác Áo, nhưng có một rủi ro mà Friedrich không tiên liệu trước, đó là việc tiếp cận Graner-Koppe từ hướng bắc đòi hỏi kỵ binh Phổ phải đi qua một thung lũng vừa chật hẹp, vừa lởm chởm gần chân đồi.[10] May mắn cho Friedrich, tinh thần kỷ luật mạnh mẽ của quân thiết kỵ Phổ đã giúp họ giữ được hàng ngũ và từng bước leo lên dốc.[11][10][6] Giao chiến đã bùng phát khi kỵ binh Phổ bắt gặp 45 khối kỵ binh cánh trái liên minh. Hai bên lúc đầu đánh nhau không phân thắng bại, nhưng kỵ binh Phổ đã dần dần chiếm ưu thế và đánh bật lực lượng kỵ binh có quân số đông hơn của liên quân vào rừng Königreich.[11] Để ngăn cản đà tháo chạy của kỵ binh, tướng Áo Lobkowitz rút súng ngắn bắn chết 3 binh sĩ, nhưng không lâu sau đó Lobkowitz bị một nhóm lính đẩy xuống một cái mương.[12]

Chiến thắng của kỵ binh Phổ đã dọn đường cho bộ binh đánh thốc vào Graner-Koppe.[1][6] Friedrich huy động tuyến thứ nhất của lực lượng bộ binh cánh phải Phổ – gồm 3 tiểu đoàn xung kích và 3 tiểu đoàn của trung đoàn Anhalt – xung kích lên đỉnh đồi.[10] Thực hiện học thuyết chiến thuật của mình, bộ binh Phổ không khai hỏa, vác thạch cơ điểu thương trong khi di chuyển qua vùng hỏa lực của pháo binh và bộ binh liên quân[6] Quân Phổ chịu thương vong rất lớn: vương công Albrecht – anh vợ Friedrich II – đã gục chết trước mặt đơn vị của mình, và tiểu đoàn Wedel hao tổn đến 3/4 biên chế. Khi người Phổ đến cách đỉnh đồi 150 bước, 5 đại đội xung kích Áo do đại tá Anton Beneda chỉ huy đã hô to "Maria Theresia muôn năm!" và ào lên phản kích, hất địch xuống chân đồi.[10][11] Tuy nhiên, quân Phổ không hề tan rã: tàn quân từ tuyến thứ nhất được trộn vào 5 tiểu đoàn của tuyến thứ hai và chấn chỉnh đội ngũ, sau đó mở một đợt xung phong mới lên đồi Graner-Koppe.[6] Lần này người Phổ thành công hơn, do cuộc phản kích của Beneda đã vô tình đẩy bộ binh Áo vào tầm hỏa lực của pháo binh Áo-Sachsen, khiến pháo binh liên quân không dám khai hỏa vì sợ làm chết quân bạn. Quân Phổ đã tràn lên đỉnh đồi, tịch thu các đại bác của Áo-Sachsen và đánh bại bộ binh địch sau nhiều trận giáp lá cà dữ dội.[11][10]

Trong khi hai bên còn đang giằng co trên đồi Graner-Koppe, quân dự bị Phổ (gồm lực lượng trung tâm và cánh trái) đứng chân trên các vị trí đối diện với quân cánh phải và trung tâm Áo-Sachsen. Không cần chờ lệnh nhà vua, các chỉ huy trung tâm và cánh trái đã chủ động xua quân đánh trực diện vào trận địa đối phương phía nam Graner-Koppe. Cuộc tấn công của quân Phổ gặp nhiều khó khăn do hỏa lực mạnh của một khẩu đội Áo trên hướng tây-tây-nam làng Burkersdorf.[2][6][11] Trước nguy cơ bị chặn đứng, đại tá Phổ Ferdinand von Braunschweig-Wolfenbüttel đã tự mình dẫn tiểu đoàn 2 Cận vệ ôm xông lên đánh thủng trung tâm liên quân. Các trung đoàn thiết kỵ Bornstedt và Rochow trên cánh trái Phổ cũng triển khai tấn công và bắt sống 850 lính bộ binh liên quân. Trong khi đó, lực lượng kỵ binh cánh phải liên minh hoàn toàn làm ngơ trước những áp lực mà bộ binh gánh chịu. Đến đầu chiều, thống chế Karl cho rút toàn bộ lực lượng liên quân vào rừng Königreich. Friedrich sai kỵ binh tiến hành truy kích, nhưng do kỵ binh Phổ đã mệt lã nên không đơn vị nào chịu chấp hành mệnh lệnh.[2][6]

Liên quan